Chuyện BS Bình học tâm vận động

Phân môn Tâm thần Nhi Chu sinh, Trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
+84.815.838.182

Câu chuyện khám phá hiệu quả của trị liệu với Tâm lý Chu sinh ở khoa Hồi Sức Sơ Sinh...

“Năm 1996, trong khi tôi làm bác sĩ nội trú ở khoa Hồi sức Sơ sinh (HSSS), bệnh viện Antoine Bélère, đã khám phá hiệu quả của việc trị liệu với Tâm lý chu sinh cho trẻ sơ sinh cực non và trẻ sơ sinh bệnh nặng, song song với trị liệu Y khoa.

Các tài liệu nghiên cứu của khoa HSSS tại đây đã chứng minh hiệu quả của việc áp dụng trị liệu bằng Tâm lý Chu sinh qua các kết quả có ý nghĩa của việc giảm tỷ lệ xuất huyết não ở trẻ non tháng, giảm tỷ lệ nhiễm trùng, rút ngắn thời gian nuôi ăn qua đường tĩnh mạch, nhờ đó chuyển qua nuôi ăn bằng sonde dạ dày sớm và sau đó có khả năng bú sớm hơn nên rút ngắn thời gian trẻ phải nằm hồi sức, giảm chi phí nằm viện đáng kể. Họ đã sử dụng nhóm chứng chỉ điều trị Y khoa, không sử dụng Tâm lý chu sinh trị liệu, là nhóm trẻ sơ sinh ở khoa hồi sức sơ sinh trong thời gian trước đó. Điều này gây ấn tượng rất lớn đối với tôi, một bác sĩ sơ sinh chỉ biết tiếp cận và điều trị bệnh cho trẻ sơ sinh với phương pháp của Y khoa.

Tôi nhận ra việc trị liệu với Tâm lý Chu sinh song song với trị liệu Y khoa là một phương pháp trị liệu có hiệu quả thực sự đối với bệnh lý Y khoa nặng của trẻ sơ sinh, hoàn toàn không tác dụng phụ, lại rất ít tốn kém.

Tôi đã mơ ước được học môn này để có thể ứng dụng trong việc điều trị cho trẻ nhỏ Việt Nam!
Mãi đến năm 2001, trường Tâm lý Thực hành Paris (EPP) đến Việt Nam, giảng dạy tại bệnh viện Nhi đồng 1, tôi đã được học trong 3 năm để có kiến thức về Tâm lý của trẻ em và cách tiếp cận về tâm lý đối với trẻ em các lứa tuổi nói chung.
Năm 2004 cô Nguyễn Hoàng Bích, nhà tâm lý trị liệu, người Pháp gốc Việt, giảng viên của trường EPP, đã mở đơn vị Tâm lý Bà mẹ và Trẻ nhỏ ở bệnh viện Đại học Y dược cở sở 4 (nay là bệnh viện Phụ sản Mêkông). Cô đã cho phép tôi thực tập tại đây trong hơn 18 tháng. Chính nơi đây tôi đã quan sát và sau đó được thực hành cách tiếp cận của một nhà tâm lý lâm sàng. Cũng chính nơi đây, một trường hợp trẻ gái 20 tháng đến khám vì chậm nói và khó nuôi. Trong suốt buổi làm việc, lắng nghe bà mẹ kể về những khó khăn của con và sự thất vọng của bà đối với con, tôi quan sát thấy trẻ ngồi gần đó với nhiều đồ chơi, nhưng không tập trung chơi, trẻ cầm đồ chơi lên và ném xuống liên tục…Qua câu chuyện của bà mẹ, tôi hiểu bà mong muốn con lên cân, bụ bẫm nên ép trẻ ăn suốt ngày, mỗi 2 giờ; ngoài ra, trẻ phải ngủ với bà vú từ sau thôi nôi,…Tôi đã giải thích cho bà mẹ hiểu nhu cầu tâm sinh lý của trẻ lứa tuổi này và cách nuôi ăn phù hợp với nhu cầu của trẻ,…Tôi thấy trẻ quay sang nhìn tôi, ánh mắt sáng lên ! Khi đó tôi hỏi bà mẹ: “Chị có đồng ý thử thay đổi theo cách cho trẻ ăn theo nhu cầu…và gần gủi với trẻ nhiều hơn vì tuổi này trẻ chưa sẵn sàng để tách mẹ,…”, bà mẹ gật đầu đồng ý. Ánh mắt của trẻ lúc đó nhìn tôi rực sáng lên như thể hiện sự đồng tình…

Sau khi tạm biệt, bà mẹ ra đến cửa quay lại vẩy tay chào tôi, khi đó thật bất ngờ, trẻ chạy đến phía tôi, tôi thấp người xuống đón trẻ, trẻ ôm tôi hôn lên má tôi!

Bà mẹ vô cùng ngạc nhiên và nói: “Ở nhà nó chưa từng ôm hôn mẹ, chỉ hôn bố khi được bố yêu cầu hoặc cho quà thôi!”

Tôi và trẻ nhìn nhau, ngầm hiểu vì sao…!

Sau đó tôi đã gặp rất nhiều ca trẻ bị ép ăn tương tự, có cả trường hợp trẻ bị bóp mũi để há miệng đút thức ăn gây sang chấn tâm lý nặng nề …trường hợp này tôi đã trị liệu và theo dõi từ khi trẻ 20 tháng đến bây giờ trẻ đã gần 12 tuổi, trẻ đi học trường bình thường ….nhưng cứ mỗi 2,3 tháng trẻ vẫn yêu cầu xin hẹn gặp nhà trị liệu.

Chứng kiến nhiều trẻ nhỏ bị đau khổ, lo hãi dẫn đến stress kéo dài hoặc sang chấn do quan niệm sai lầm của gia đình hoặc do trầm cảm, lo âu, …ở bà mẹ sau sinh, khiến tôi quyết định trở thành nhà tâm lý trị liệu cho trẻ em từ 2005.

2008 tham dự hội nghị toàn quốc về Tự kỷ, tổ chức tại bệnh viện Nhi Đồng 1, sau khi nghe một người cha trình bày một power point, với đề tài : “TỰ KỶ, KHOẢNG TRỐNG ĐÁNG SỢ CỦA NHI KHOA”, tôi đã rất xúc động và thấy mình lúc đó, tuy có thể chẩn đoán được rối loạn tự kỷ nhưng hoàn toàn bất lực trong việc tiếp cận và trị liệu cho trẻ hoàn toàn không giao tiếp này!
Cũng vào năm 2008 là năm tôi được học bỗng của chính phủ Pháp trong chương trình bác sĩ nội trú lần 2, tôi quyết định tìm cách để được thực tập về Tâm bệnh lý trẻ nhỏ sau thời gian thực tập ở khoa Nội thần kinh Nhi, bệnh viện Kremlin Bicêtre. Bác sĩ Lương Cần Liêm đã giới thiệu tôi với GS BS tâm thần Nhi Marie-Rose Moro, nhờ đó tôi được thực tập ở khoa Tâm bệnh lý trẻ nhỏ, bệnh viện Avicenne. Ở đó, tôi đã được trải nghiệm cách làm việc theo ê-kip đa ngành (BS tâm thần nhi, nhà tâm lý lâm sàng, nhà TVĐ, nhà chỉnh âm, nhà hoạt động trị liệu,..), lợi ích của nó là hiểu được trẻ sâu hơn và toàn diện nhờ cái nhìn khác nhau của từng chuyên ngành, cũng như làm giảm đi sự chủ quan của từng thành viên trong ê-kip. Nhờ đó, họ đưa ra chẩn đoán phù hợp hơn và có các giải pháp can thiệp phù hợp hơn cho trẻ…

Và tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm nơi đào tạo về Tâm lý Chu sinh…
Qua giới thiệu của các nhà tâm lý ở khoa Tâm bệnh lý của GS Moro, tôi có được địa chỉ của Viện Chu sinh và sơ sinh ở 26 boulevard de Brune...
Nơi đây tôi đã được bác sĩ trưởng khoa Tâm lý Chu sinh, Linda Morisseau, tiếp đón rất nhiệt tình ngay từ đầu và tạo mọi điều kiện cho tôi thực tập, tôi được phép tham dự những ca trẻ mới với các bác sĩ tâm thần nhi hoặc các nhà tâm lý trị liệu. Nơi đây đã cho tôi dấu ấn quan trọng khi chứng kiến các khả năng tâm lý của trẻ nhỏ, dù tôi đã được đọc và nghe nhiều về khả năng của chúng, nhưng “một lần thấy bằng vạn lần nghe!”.

Cuối khoá thực tập, bác sĩ Morriseau và toàn khoa đã tổ chức một tiệc nhỏ chia tay và ưu ái tặng cho tôi bộ sách 4 quyển về “Nouveau Traité de psychiatrie de l’enfant et de l’adolescent” (Trị liệu mới về tâm thần cho trẻ em và trẻ vị thành niên” ) của các BS tâm thần Nhi nổi tiếng ở Pháp Lebovici, Diatkin và Soulé.

Bà nói với tôi: “ Hãy mở một đơn vị Tâm lý Chu sinh ở Việt Nam, chúng tôi sẽ hỗ trợ về chuyên môn cho đơn vị bạn như anh em sinh đôi!”
Tôi rất cảm động về tình cảm của bà nhưng thầm nghĩ: “Chuyên ngành Tâm lý Chu sinh không thuộc về Y khoa, lại quá sâu, mà trường mình là Trường Y Khoa, dễ gì được phép mở! Lúc đó, điều này đối với tôi có tính không tưởng!

Tuy nhiên, vì mang ơn bà rất nhiều nên ngay khi về nước, tôi thử gửi email cho hiệu trưởng, lúc đó là GS Nguyễn Tấn Bỉnh, về đề nghị mở phân môn TLCS đồng thời mở đơn vị thực hành Tâm lý Chu sinh tại một bệnh viện sản.
Thật bất ngờ, GS Bỉnh nhắn tôi gặp ông ngay và yêu cầu tôi làm kế hoạch để thực hiện.
Đơn vị Tâm lý Chu sinh đã ra đời vào tháng 10/2010 với sự hỗ trợ rất nhiệt tình của Giám đốc bệnh viện Hùng Vương lúc đó là Ths BS Nguyễn Văn Trương và vài tháng sau Phân môn Tâm thần Nhi chu sinh ra đời vào tháng 2/2011…

--> Quay lại Trang Phân môn Tâm thần Nhi chu sinh - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch