Quy trình tiếp nhận trẻ mới và kết thúc trị liệu

Phân môn Tâm thần Nhi Chu sinh, Trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
+84.815.838.182

QUY TRÌNH TIẾP NHẬN TRẺ MỚI

 

Xin chào quý Phụ huynh,

Để việc hỗ trợ trẻ có hiệu quả, chúng tôi, các nhà thực hành Tâm vận động (TVĐ) theo phương pháp Aucouturier cần thực hiện một số bước cần thiết, cũng như sẽ quay phim, chụp ảnh trẻ với mục đích theo dõi sự phát triển của trẻ và nâng cao chuyên môn cùng các đồng nghiệp và nhà đào tạo của chúng tôi. Chúng tôi xin cam kết sẽ bảo mật tất cả thông tin, phim, ảnh của trẻ và gia đình. Rất mong được sự hợp tác của quý Phụ huynh.

Bước một:

Nhà thực hành TVĐ cần lấy thông tin của trẻ và gia đình song song với việc quan sát trẻ trong tương tác với cha mẹ. Nơi tiếp đón trẻ cùng với cha mẹ là phòng TVĐ. Sự hiện diện của cả cha và mẹ rất quan trọng trong việc chia sẻ các thông tin về trẻ, để chúng tôi có thể nắm bắt được mong đợi của gia đình cũng như có thể hình dung được môi trường trẻ đang sống và các mối quan hệ trong gia đình với trẻ. Nếu gia đình cung cấp thông tin về trẻ chính xác, điều đó sẽ giúp ích nhiều cho việc tổng hợp các thông tin từ quan sát trẻ sau này. Nhờ đó, chúng tôi sẽ hiểu trẻ tốt hơn, có kết luận về những khó khăn của trẻ chính xác hơn và hỗ trợ trẻ phù hợp hơn.

Trong khi trao đổi với gia đình, trẻ có thể ngồi cùng cha mẹ hoặc tự chơi trong phòng TVĐ.

Cha mẹ cần thông tin về:

  • Họ tên con
  • Ngày tháng năm sinh
  • Những khó khăn của trẻ, bắt đầu từ khi nào ? Cha mẹ đã đưa con đến những nơi nào để trị liệu,..
  • Mong đợi của cha mẹ về việc trị liệu cho con lần này ?
  • Họ tên cha
  • Tuổi của cha
  • Nghề nghiệp của cha
  • Họ tên mẹ
  • Tuổi của mẹ
  • Nghề nghiệp của mẹ
  • Tiền sử của trẻ:

Lúc mang thai:

Trẻ là con thứ mấy ? Con mong đợi ?, diễn tiến thai kỳ thế nào ? Sức khoẻ của mẹ lúc mang thai ? Tâm trạng của mẹ lúc mang thai ? Những sự kiện xảy ra lúc mang thai ảnh hưởng đến tâm trạng của mẹ (dọn nhà, người thân mất, khó khăn về tài chính đột ngột, ly hôn …)

Lúc chào đời:

Trẻ đủ tháng hay thiếu tháng ? Sinh thường hay sinh khó ? Sinh mổ ? Cân nặng lúc sinh ? Cảm nhận của mẹ sau sinh con ? Có khóc đêm kéo dài ? Con có nằm viện sau sinh ? Vì lý do gì ? Nằm viện bao lâu ? Theo cha mẹ: con dễ nuôi  hay khó nuôi ?

  • Phát triển tâm vận động của trẻ:
  • Cách thức trông trẻ:
  • Về ăn uống của trẻ:
  • Về giấc ngủ:
  • Về sạch sẽ:
  • Trẻ có hay bệnh ? Có nhập viện ? Bị bệnh gì và nhập viện bao lâu ?
  • Nhận xét của ông, bà ngoại về trẻ (nếu có)
  • Mong đợi của ông bà nội về trẻ (nếu có)

Nhận xét của giáo viên về trẻ (rất cần thiết):

 

Bước hai: Nhà TVĐ sẽ có ba buổi quan sát trẻ

Nhà TVĐ sẽ tiếp đón, quan sát trẻ trong khi chơi cùng với trẻ ở phòng TVĐ để tìm hiểu các khó khăn, mong muốn của trẻ cũng như mức độ phát triển của trẻ.

Sau đó, nhà TVĐ sẽ tổng hợp các thông tin ghi nhận từ gia đình và từ quan sát của nhà tâm vận động qua 3 buổi chơi cùng trẻ.

Bước ba: gặp gỡ riêng cha mẹ và thông báo những nhận định ban đầu về trẻ: những mặt ưu điểm của trẻ và những khó khăn trẻ cần hỗ trợ.

Sau đó nhà TVĐ sẽ trao đổi về kế hoạch hỗ trợ cho trẻ cũng như cam kết giữa nhà TVĐ và phụ huynh về tiến trình hỗ trợ cho trẻ.

Có ba cấp độ hỗ trợ cho trẻ:

    • Với trẻ bình thường: hỗ trợ với mục đích giáo dục và phòng ngừa
    • Với trẻ có rối loạn nhẹ: hỗ trợ theo nhóm trẻ
    • Với trẻ có rối loạn nặng: hỗ trợ cá nhân
  • Thời gian hỗ trợ: sẽ chọn ngày, giờ cố định cho cha mẹ dễ nhớ, nếu trẻ có khó khăn nhẹ và vừa chỉ cần 1 lần/tuần, nếu trẻ khó khăn nặng sẽ hỗ trợ tối đa 2 lần/ tuần, điều quan trọng là trẻ cần được hỗ trợ đều đặn hàng tuần.

Lưu ý là không cần hỗ trợ trẻ mỗi ngày vì điều này không giúp tăng hiệu quả trị liệu.

Khoảng thời gian hỗ trợ cho trẻ nặng, trung bình 1-2 năm, hoặc nhiều hơn tuỳ trường hợp.

  • Một số quy định cần sự hợp tác của cha mẹ để việc hỗ trợ trẻ có hiệu quả:
    • Tôn trọng thời gian đưa trẻ đến và đón trẻ, nếu đưa trẻ đến trễ thì thời gian của trẻ ở phòng TVĐ sẽ bị ngắn lại, vì sau đó là giờ của trẻ khác.
    • Không tự động ngừng đưa trẻ đến khi chưa có sự trao đổi và đề nghị ngừng của nhà TVĐ (tìm hiểu lý do ở quy trình kết thúc hỗ trợ cho trẻ)
    • Không đưa trẻ đến khi trẻ bị bệnh, vì trẻ không thể có hứng thú để chơi

Xin lưu ý :

  • Nhà TVĐ xuất thân từ nhiều nghề khác nhau trong lĩnh vực chăm sóc trẻ như bác sĩ Nhi, bác sĩ Tâm thần Nhi, nhà Tâm lý lâm sàng, giáo viên Giáo dục đặc biệt, giáo viên Mầm non,.. nhưng chúng tôi không đánh giá, xếp loại trẻ dựa trên các triệu chứng như rối loạn lo âu, rối loạn giao tiếp, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn chậm phát triển tâm vận động, rối loạn chậm phát triển tâm thần, rối loạn tự kỷ… mà xếp loại trẻ dựa trên nguồn gốc, nguyên nhân khó khăn của trẻ cũng như mức độ phát triển của trẻ để việc hỗ trợ trẻ hiệu quả hơn cũng như tránh được sự dán nhãn các rối loạn nặng gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ sau này.
  • Đôi khi sau 1 buổi làm việc với cha mẹ và 3 buổi quan sát trẻ vẫn chưa đủ để giúp nhà tâm vận động thấy rõ nguồn gốc khó khăn của trẻ, nhà TVĐ sẽ tiếp tục theo dõi tiến triển của trẻ tại phòng TVĐ và thông báo nhận định của chúng tôi cho cha mẹ sau đó.

 

 

QUY TRÌNH CHẤM DỨT VIỆC HỖ TRỢ

 

Do việc hỗ trợ trẻ theo phương pháp TVĐ Aucouturier dựa trên mối quan hệ, nên sau một thời gian được hỗ trợ, trẻ sẽ có mối quan hệ gắn bó đặc biệt với nhà TVĐ. Quý Phụ huynh cần biết điều này để không tự động ngừng đưa trẻ đến khi nhà tâm vận động chưa đề nghị.

Khi trẻ đã tiến bộ nhiều, phát triển nhiều mặt hài hoà, có khả năng tự chủ, ngày càng tự tin, nhà TVĐ sẽ hẹn gặp gỡ, trao đổi với cha mẹ về việc kết thúc trị liệu, trong đó có việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ để tránh gây sự hụt hẫng, có thể làm tổn thương tâm lý cho trẻ, nhất là những trẻ đã có khó khăn về mối quan hệ trước đó, đặc biệt khó khăn trong mối quan hệ mẹ - con đầu đời.

  • Đối với trẻ có khó khăn nhẹ, hỗ trợ theo nhóm: nhà TVĐ sẽ thông báo cho trẻ trong ba lần gặp cuối, và nói trước với trẻ, ví dụ: “ chúng ta sẽ còn gặp nhau 3 lần nữa” rồi “chúng ta sẽ còn gặp nhau 2 lần nữa” và “đây là lần cuối chúng ta gặp nhau”.
  • Đối với trẻ được hỗ trợ cá nhân, có gắn bó đặc biệt với nhà TVĐ, ngoài cách làm trên, nhà TVĐ có thể làm một tập hình ảnh lưu lại các trải nghiệm thú vị hoặc cho thấy tiến bộ của trẻ cùng với nhà TVĐ trong phòng TVĐ để trẻ cất giữ, lưu niệm. Hoặc nhà TVĐ có thể cho thêm một số cuộc hẹn cách xa dần, như 2 tuần, 4 tuần, 6 tuần,…để trẻ chuẩn bị tâm lý tách rời và dễ dàng chấp nhận hơn.

Rất cám ơn sự hợp tác của quý Phụ huynh vì điều này góp phần rất quan trọng trong hiệu quả trị liệu cho trẻ !

 

BS Nguyễn Lệ Bình (*) 

(*) Nhà đào tạo TVĐ Aucouturier Việt Nam, được công nhận bởi ASEFOP (Hiệp hội các trường Tâm vận động Aucouturier Châu Âu)