GIỚI THIỆU PHÂN MÔN TÂM THẦN NHI CHU SINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH
Xin thống nhất về mặt từ ngữ: Tâm thần Nhi chu sinh (TTNCS) hay Tâm lý Chu sinh chỉ là một. Tiến trình trị liệu của TTNCS ứng dụng tâm lý trị liệu, hoàn toàn không sử dụng thuốc tâm thần.
Mục tiêu của TTNCS là chăm sóc sức khoẻ tâm thần của bà mẹ và trẻ từ lúc mang thai đến 2 tuổi (1000 ngày đầu đời), bao gồm phát hiện sớm và trị liệu sớm các vấn đề tâm lý, tâm thần của bà mẹ và trẻ nhỏ cũng như nâng đỡ tâm lý bà mẹ, hướng dẫn phòng ngừa các rối loạn tâm thần ở con.
Đơn vị Tâm lý Chu sinh ra đời tại bệnh viện Hùng Vương theo Thoả Thuận hợp tác giữa Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch và bệnh viện Hùng Vương từ tháng 10/2010 được GS TS Nguyễn Tấn Bỉnh khi đó là Hiệu trưởng và ThsBS Nguyễn Văn Trương cùng ký quyết định. Sau đó 2/2011, GS TS Nguyễn Tấn Bỉnh ra quyết định cho phân môn Tâm thần Nhi Chu sinh ra đời. Phụ trách Phân môn TTNCS là BS Nguyễn Lệ Bình.
- TTNCS có mục tiêu chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho bà mẹ và trẻ nhỏ giai đoạn từ lúc mang thai đến sau sinh 2 tuổi. Điểm đặc biệt là nhà trị liệu làm việc với bà mẹ, nâng đỡ tâm lý bà mẹ đồng thời giúp bà mẹ và gia đình hiểu tâm sinh lý của trẻ tốt hơn, đáp ứng phù hợp với nhu cầu của trẻ hơn, đồng thời tạo môi trường cho trẻ phát triển tốt hơn.
Những trường hợp trẻ bị rối loạn tâm thần đến sớm và nhẹ, thường chỉ cần hỗ trợ cho cha mẹ. Nếu cha mẹ hợp tác, trẻ thay đổi rất nhanh và sớm phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên đối với trẻ bị rối loạn giao tiếp nặng, nhà trị liệu gặp khó khăn trong cách tiếp cận với trẻ, khi đó rất cần sự phối hợp với phương pháp thực hành Tâm Vận Động (TVĐ) Aucouturier.
- TVĐ Aucouturier cũng cùng mục tiêu chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ nhỏ, điểm đặc biệt là sự sáng tạo trong cách tiếp cận trẻ qua chơi giúp nhà trị liệu dễ kết nối với trẻ, xâm nhập vào thế giới nội tâm của trẻ một cách nhẹ nhàng, hoàn toàn không xâm lấn, trái lại trẻ được vui thích và tự do thể hiện bản thân qua các trò chơi tự phát.
Ngoài ra, người phụ trách chuyên môn của Phân môn TTNCS là BS Nguyễn Lệ Bình đồng thời là nhà đào tạo TVĐ Aucouturier (được Hiệp hội các trường TVĐ Aucouturier Châu Âu ASEFOP công nhận từ tháng 2/2019) chịu trách nhiệm về chuyên môn của việc đào tạo TVĐ Aucouturier tại Việt Nam. Vì thế hiện nay Phân môn TTNCS của Trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là nơi chịu trách nhiệm về mặt tổ chức lẫn chuyên môn của chuyên ngành TVĐ Aucouturier tại Việt Nam.
Có thể nói:
Sự phối hợp giữa hai chuyên ngành TTNCS và TVĐ Aucouturier là một cặp đôi hoàn hảo, lý tưởng, cả về mặt trị liệu lẫn phòng ngừa các rối loạn tâm thần cho trẻ nhỏ, rất cần thiết cho trẻ em Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ nhỏ vẫn còn là một khoảng trống!
- 1982 – 1993 Bác sĩ Nhi khoa tại các bệnh viện Nhi Cần Thơ, Trưng Vương, An Bình
- Từ 1993 – nay: giảng viên bộ môn Nhi và sau đó giảng viên Phân môn TTNCS, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.
- 1995 – 1996 Bác sĩ nội trú Nhi, theo chương trình FFI ở Paris, khám phá hiệu quả của trị liệu Tâm lý Chu sinh đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng cực non và trẻ sơ sinh bệnh nặng ở khoa Hồi sức Sơ sinh, bệnh viện Antoine Béclère, Paris. Mơ ước được học để ứng dụng cho trẻ nhỏ Việt Nam.
- 2001 – 2003 được đào tạo về Tâm lý lâm sàng của Trường Tâm lý thực hành Paris (EPP) tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
- 2008 – 2009 bác sĩ nội trú theo chương trình FFI lần 2, được đào tạo về Tâm bệnh lý trẻ nhỏ ở bệnh viện Avicenne và Tâm lý Chu sinh tại Viện Chu sinh và Sơ sinh, Paris.
- 2009 – 2011 được đào tạo về TVĐ Aucouturier tại Trung tâm Hỗ trợ trẻ khuyết tật TPHCM.
- 2009 – 2013 được đào tạo về Tâm lý trị liệu hệ thống của Đại học Louvain (Bỉ), tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- 2010 – 2012 được đào tạo lần 2 – (cấp bằng DU – bằng đại học) về Tâm lý lâm sàng của Trường Tâm lý thực hành Paris (EPP), tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- 2015 – 2019 được đào tạo để trở thành Nhà Đào tạo về TVĐ Aucouturier.
- Từ 2/2019 trở thành nhà Đào tạo TVĐ Aucouturier, được tổ chức ASEFOP (Hiệp hội các trường TVĐ Aucouturier Châu Âu) công nhận (www.asefop.com/fr/les-formateurs/)
Câu chuyện khám phá hiệu quả của trị liệu với Tâm lý Chu sinh ở khoa Hồi Sức Sơ Sinh...
(--> Xem thêm Câu chuyện của BS Nguyễn Lệ Bình tại Pháp)
Con đường đến với phương pháp Tâm vận động Aucouturier và khám phá hiệu quả của phương pháp này
Có quá nhiều sự kiện xảy ra với tôi vào năm 2009: vừa từ Pháp về Việt Nam chuẩn bị mở phân môn Tâm lý Chu sinh, lại biết tin có khoá đào tạo về TVĐ tại TPHCM. Nhờ đã biết hiệu quả của phương pháp trị liệu tâm vận động đối với các rối loạn tâm thần ở trẻ em từ bên Pháp, nên tôi tìm gặp cô Annette ngay. Tôi đã khá lo lắng vì khoá đào tạo đã bắt đầu trước đó 1 năm, nhưng thật may mắn, cô Annette Bauer đã đồng ý cho học và còn hoan nghênh. Cô nói cô rất vui vì tôi vừa là bác sĩ Nhi, vừa được đào tạo về Tâm lý Chu sinh nên học về TVĐ Aucouturier rất phù hợp.
Tôi đã khám phá cách đào tạo TVĐ của cô Annette còn tuyệt vời hơn phương pháp TVĐ mà tôi từng được trải nghiệm quan sát ở Paris trước đây, vì nó là phương pháp Thực hành TVĐ dựa trên quan hệ, chính là phương pháp Thực hành TVĐ Aucouturier, trong khi tâm vận động ở Pháp là TVĐ chức năng, nhắm vào trị liệu các triệu chứng.
Năm 2011, năm cuối của khoá đào tạo, tôi nhận hỗ trợ cho một trẻ cũng đặc biệt:
Trẻ đã hơn 8 tuổi, được trường chuyên biệt 15/5 yêu cầu hỗ trợ vì trẻ không nói, hay cắn bạn bất cứ lúc nào trẻ tiếp cận với bạn, không sử dụng được hai bàn tay nên cô còn phải đút ăn, trẻ có tiền sử sinh ngạt, bại não.
Sau 1 năm hỗ trợ trẻ, chính tôi cũng bất ngờ về sự thay đổi của trẻ: trẻ đã sử dụng được khá thành thục đôi tay phục vụ cho việc xúc ăn, cầm ly uống, bóc kẹo, bóc chuối,… Mẹ kể : ở nhà trẻ còn tự động nhắc ghế cho mẹ ngồi khi thấy mẹ đứng làm bếp, bấm xả nước mỗi khi đi toilet, chịu đi bộ ra công viên với mẹ mỗi chiều thay cho thói quen ngồi xem tivi…mẹ bớt lo khi thấy trẻ đã biết thể hiện cảm xúc, tình cảm với mẹ và ngày càng tự lập hơn. Tuy không thể nói, trẻ đã biết dùng tay ra dấu khi muốn điều gì và không còn cắn bạn. Trẻ còn có bạn và thân thiết với một bạn gái bị hội chứng Down,…Ngoài ra, trong các buổi chơi ở phòng TVĐ, mấy lần trẻ còn biết gạt tôi như giả vờ lăn bóng về phía tôi nhưng ném về hướng khác khiến tôi hụt hẫng, trẻ cười khoái chí,..
Sự chuyển hoá tích cực của trẻ này đã thay đổi cái nhìn của tôi về trẻ bại não, về khả năng phục hồi các di chứng thần kinh ở trẻ em, đã xác tín trong tôi hiệu quả của phương pháp thực hành TVĐ Aucouturier.
Sau đó tôi nhận một số trẻ có biểu hiện rối loạn tự kỷ, đến sớm trước 3 tuổi, với sự hợp tác của cha mẹ, đã phục hồi hoàn toàn sau 1-2 năm được hỗ trợ. Kinh nghiệm cho thấy những trường hợp người cha chủ động đưa vợ con đến, thường có độ phục hồi cao và nhanh hơn.
Những trẻ đến trễ khoảng 5, 6 tuổi cũng có những tiến bộ đáng kể và một số trẻ có thể đi học trường bình thường. Tuy nhiên, có một trường hợp đặc biệt là trẻ không thể tập trung học được ở trường bình thường, nhưng cha mẹ cứ ép trẻ đến trường, kết quả là trẻ bị thụt lùi, xuất hiện lại những biểu hiện thu mình, tăng động, bốc đồng, lăng xăng...
May mà cuối cùng cha mẹ của trẻ này đã nhận ra nguồn gốc của vấn đề và thay đổi môi trường cho trẻ.
Trước đây, trẻ này đến khám vì hành vi lạ (hay hôn chân người khác), lăng xăng, bốc đồng, không nhận biết bản thân, không thể hiện cảm xúc, ngay cả vào ngày sinh của mình, được bạn bè, người thân chúc mừng.., trẻ khó khăn trong giao tiếp! Bây giờ thì trẻ tiến bộ nhiều mặt, trẻ đã nhận biết bản thân, biết thể hiện cảm xúc với người khác và rất vui vào ngày sinh nhật của mình, nói nhiều và diễn đạt mạch lạc hơn, biết thể hiện tình cảm với mẹ, với cha, giao tiếp tốt với người thân, có thể làm một số việc nhà khi yêu cầu, có thể ngồi lâu chơi lắp ráp, làm lồng đèn, …và thích đến trường - một trường dành cho trẻ đặc biệt, không áp đặt trẻ học chữ mà giúp cho trẻ thực hành các kỹ năng tự lo cho bản thân, làm thủ công, tạo hình, học hát,…
Chính người cha cũng nhận ra bản thân mình thay đổi nhiều: từ nóng tính đã trở nên kiên nhẫn rất nhiều. Tình thương con đã giúp người cha thay đổi, điều đó góp phần quan trọng giúp con trai thay đổi.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác từ phía cha mẹ trong việc hiểu con mình, tạo môi trường sống phù hợp cho con mình, vì mỗi trẻ có khó khăn có độ nhạy cảm và mức chịu đựng stress khác nhau, việc này rất quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ có khó khăn.
Sự tiến bộ của những trẻ này đã xác tín trong tôi hiệu quả của phương pháp thực hành Tâm vận động Aucouturier, khiến tôi mong muốn góp phần lan truyền phương pháp này tại Việt Nam.
Vì thế khi cô Annette Bauer đề nghị theo khoá học để trở thành nhà đào tạo, tôi đồng ý ngay. Tôi đã trở thành nhà đào tạo TVĐ Aucouturier, được tổ chức ASEFOP (Hiệp hội các trường đào tạo về Tâm vận động Aucouturier Châu Âu) công nhận từ tháng 2/2019, sau 4 năm được đào tạo (www.asefop.com/fr/les-formateurs/).
Về cơ duyên:
Những khó khăn về mặt thủ tục mở khoá đào tạo mới cũng như về việc cạn nguồn kinh phí từ hội của bác sĩ Olivette, khiến tôi phải vừa tìm sự hỗ trợ của Trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (nơi tôi đã làm việc liên tục từ 1993 đến nay – 31 năm) vừa lo xin tài trợ của WBI (Wallonie Bruxelles International). Việc này cần thực hiện song phương giữa hai quốc gia Bỉ và Việt Nam, cô Danielle Michaux (nhà đào tạo của trường TVĐ Bỉ - ebppa) và tôi đã cùng viết kế hoạch, mỗi bên viết cho trường mình đề nghị. Kết quả là Ban Giám Hiệu và Hiệu trưởng Trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam đã ký đồng thuận, thế nhưng cuối cùng WBI không chấp thuận.
Dẫu không được tài trợ, nhưng qua đó Phân môn TTNCS lại được bộ môn Tâm thần, khoa Y, phòng Hợp Tác Quốc tế và Ban Giám hiệu biết đến và ủng hộ công việc thứ hai mà tôi đang theo đuổi để đào tạo cho thế hệ trẻ, đó là phương pháp thực hành Tâm vận động Aucouturier.
Nhân đây, tôi cũng xin thay mặt phân môn TTNCS bày tỏ lòng biết ơn đối với nguyên hiệu trưởng GS. Nguyễn Tấn Bỉnh, người đã cho phép mở ra Phân môn Tâm thần Nhi chu sinh, đã biến điều “không tưởng” trở thành hiện thực, cũng như các hiệu trưởng kế nhiệm như GS. Nguyễn Thị Ngọc Dung, PGS Ngô Minh Xuân và hiệu trưởng đương nhiệm PGS Nguyễn Thanh Hiệp, đã thường xuyên khuyến khích, hỗ trợ phân môn ít người của chúng tôi.
Tôi cũng biết ơn môi trường của Trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là nơi đã luôn tạo điều kiện cho tôi được tự do học các chuyên ngành mà tôi cần được đào tạo và phát triển để chăm sóc sức khoẻ thân, tâm trẻ nhỏ tốt hơn. Tôi đặc biệt biết ơn các em bé có duyên đến với tôi, sau khi phục hồi, đã chứng minh những khả năng tuyệt vời của chúng. Một số bé đã bộc lộ những năng khiếu đặc biệt về nghệ thuật như sáng tác nhạc, vẽ, hoặc toán học như tính nhẩm rất nhanh, nói được nhiều thứ tiếng,…
Trong bối cảnh Việt Nam còn khoảng trống lớn trong việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ em, thì việc phòng ngừa các rối loạn tâm thần thứ phát (do môi trường) ở trẻ em vô cùng cần thiết nhằm xây dựng nhân cách cân bằng ngay từ thời thơ ấu, là nền tảng bảo vệ sức khoẻ tâm thần cho cá thể suốt đời. Điều này không chỉ giúp cho từng cá thể có được sức khoẻ thân tâm tốt hơn, tự tin hơn, tăng khả năng nhanh chóng tái lập lại cân bằng tâm lý sau những thử thách lớn mà còn giúp cho xã hội giảm thiểu các bệnh mạn tính do stress kéo dài (tiểu đường, ung thư,...) hoặc các bệnh tâm thần do sang chấn (PTSD, trầm cảm,...) giảm thiểu tình trạng du đãng, trộm cướp, sử dụng ma tuý, tội phạm,…
Việc ứng dụng lý thuyết cơ bản của Tâm thần Nhi Chu sinh cũng như triết lý của TVĐ Aucouturier rất cần cho các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực chăm sóc trẻ nhỏ: bác sĩ Nhi, bác sĩ Tâm thần Nhi, nhà Tâm lý lâm sàng, giáo viên nhà trẻ và mẫu giáo,.…và cha mẹ trẻ. Phân môn chúng tôi đang rất cần những người có tâm huyết, muốn được đào tạo về hai chuyên ngành trên, cùng chúng tôi phát triển và lan toả chúng trên toàn Việt Nam. Mong thay!
BS Nguyễn Lệ Bình (*)
(*) Nhà đào tạo về Thực hành TVĐ Aucouturier tại Việt Nam, được Hiệp hội các Trường TVĐ Châu Âu công nhận)