CÂU HỎI

Phân môn Tâm thần Nhi Chu sinh, Trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
+84.815.838.182

Câu hỏi chung

1. Sự khác biệt giữa phòng Tâm vận động với phòng chơi ở các khu vui chơi là gì?

Các trang bị trong phòng Tâm vận động (TVĐ) có thể giống ở một số khu vui chơi của trẻ có nhiều nệm mút, bóng nhỏ, bóng lớn, cầu trượt, hồ banh …nhưng điều khác biệt ở phòng TVĐ luôn có sự đồng hành của nhà TVĐ. Người này có khả năng tương tác với trẻ, đặc biệt hiểu diễn đạt ngôn ngữ cơ thể của trẻ, nhờ đó đáp ứng đúng nhu cầu của từng trẻ, tạo thuận lợi cho sự bộc lộ cùng lúc tất cả các tiềm năng về vận động, tình cảm, nhận thức và các mối quan hệ của trẻ. Do đó trẻ sẽ được phát triển tối ưu các tiềm năng của mình.

Ngoài ra, thông qua chơi, nhà TVĐ còn có thể phát hiện một số khó khăn ở một vài trẻ trong nhóm trẻ bình thường, nhờ đó những trẻ đó sẽ được hỗ trợ sớm.

2. Hôm nay con học có ngoan không ?

Mục tiêu của phương pháp Tâm vận động Aucouturier không dạy trẻ học tập hay vâng lời.

Ngược lại nó cho phép trẻ hoàn toàn tự do thể hiện nội tâm và phát triển tất cả các nguồn lực trẻ sẵn có: thể chất, cảm xúc, trí tuệ, quan hệ, thông qua cơ thể, chơi vận động.

Vì vậy thay vì mong con “ngoan”, cha mẹ nên mong con phát triển hay tiến bộ.

3. Cô có thể hướng dẫn để về gia đình dạy con được không ?

Do nhà Tâm vận động (TVĐ) không dạy trẻ bất cứ điều gì ở phòng TVĐ, nên không thể hướng dẫn cha mẹ việc dạy trẻ.

Nếu cha mẹ tôn trọng trẻ, quan sát trẻ nhiều hơn để hiểu trẻ tốt hơn, đồng thời thường xuyên phát hiện những điểm tích cực ở trẻ để khen ngợi và khuyến khích trẻ, điều này sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn, tự tin hơn, tin tưởng và kết nối với cha mẹ nhiều hơn.

4. Làm sao đánh giá được hiệu quả trị liệu của phương pháp Thực hành Tâm vận động ?

Tuỳ theo mức độ khó khăn và độ tuổi trẻ bắt đầu được hỗ trợ với Tâm vận động (TVĐ) Aucouturier, tuỳ theo sự hợp tác của cha mẹ - tạo môi trường gia đình phù hợp với nhu cầu tâm sinh lý của trẻ, trẻ sẽ thay đổi theo hướng tích cực nhanh hay chậm.

Hiệu quả trị liệu còn tuỳ từng trường hợp khó khăn khác nhau của trẻ, nhưng nhìn chung, hầu hết trẻ sẽ trở nên vui vẻ, cởi mở hơn, năng động hơn, tự tin hơn.

Ngoài ra,

  • Ở nhà:

- Trẻ giảm lăng xăng, tăng động hoặc bớt thụ động, thu mình
- Chủ động trong khi chơi và tập trung hơn trong khi chơi, chơi một trò chơi lâu hơn
- Giao tiếp mắt nhiều hơn, kết nối với cha mẹ, anh, chị, em tốt hơn,….

  • Ở lớp, giáo viên nhận ra những thay đổi của trẻ:

- Tập trung hơn, chủ động hơn trong việc học
- Kết nối với bạn nhiều hơn
- Tôn trọng nội quy ở trường, lớp tốt hơn.

Vì thế trong quá trình hỗ trợ cho trẻ, nhà TVĐ sẽ theo dõi sự tiến triển của trẻ qua việc thường xuyên hỏi Phụ huynh về những thay đổi của trẻ ở nhà và ở trường, chính là bằng chứng của hiệu quả trị liệu. Một số trẻ khi mới được hỗ trợ với TVĐ Aucouturier có thể có biểu hiện bướng bỉnh chống đối cha mẹ và giáo viên, nhưng sau đó trẻ sẽ dần dần chấp nhận, trở lại hoà nhập với môi trường gia đình, môi trường trường lớp,..

Tất nhiên, trẻ sẽ hoà nhập sớm hơn và tốt hơn nếu được cha mẹ và giáo viên tôn trọng cũng như hiểu tâm sinh lý trẻ.

5. Hiệu quả của việc trị liệu phụ thuộc các yếu tố nào ?

Có nhiều yếu tố, ở đây chỉ nêu những yếu tố mà cha mẹ có thể giúp được cho con:
- Độ tuổi của trẻ: tuổi trẻ càng nhỏ càng dễ thay đổi, dễ phục hồi, dễ cải thiện.
- Sự hợp tác của cha mẹ:

  • Thay đổi cái nhìn về con mình, thấy những điểm tích cực của con nhiều hơn trước.
  • Cha mẹ hiểu tâm sinh lý của theo độ tuổi của con và đáp ứng phù hợp với nhu cầu của con.
  • Đưa con đến phòng tâm vận động đều đặn, đúng giờ.
  • Trao đổi, thông tin thường xuyên với nhà Tâm vận động về con mình.
  • Nếu trẻ không thay đổi hoặc đang tiến bộ bỗng dưng ngừng lại hoặc thụt lùi, phụ huynh cần trao đổi với nhà Tâm vận động để tìm hiểu nguyên nhân.

Một số trường hợp phát hiện môi trường của trẻ không an toàn: mẹ bị trầm cảm sau sinh, mẹ lo âu quá mức hoặc xung đột thường xuyên trong gia đình, … nhà Tâm vận động có thể giới thiệu gia đình gặp nhà Tâm lý trị liệu gia đình để được phối hợp hỗ trợ song song với việc hỗ trợ trẻ với thực hành TVĐ Aucouturier.

6. Bố mẹ có thể dự giờ được không ?

Thưa không.
Sự hiện diện của cha mẹ sẽ không giúp ích cho trẻ, trái lại sẽ làm cho trẻ khó tập trung trong khi chơi vận động, thực hiện kế hoạch riêng của mình. Vì nhà tâm vận động (TVĐ) không dạy trẻ bất cứ điều gì nên cha mẹ dự giờ sẽ không học được gì ở phòng TVĐ. Nhưng đôi khi trong một số trường hợp đặc biệt, trẻ không thể tách rời mẹ hay người thân, khi đó cha hoặc mẹ có thể hiện diện trong một vài buổi đầu tiên.

Khi đó, cha hoặc mẹ hiện diện nhưng chỉ được ngồi yên ở một góc phòng, như pho tượng, không phản ứng, không nói, không tương tác với trẻ.

7. Tôi đăng ký cho con học kín tuần được không ?

Điều này hoàn toàn không cần thiết cho trẻ.

Với trẻ có khó khăn nhẹ hoặc vừa, chỉ cần 1 buổi mỗi tuần.

Với trẻ có khó khăn nặng, trẻ cần tối đa 2 buổi mỗi tuần.

Điều quan trọng là trẻ cần được hỗ trợ liên tục và đều đặn.

8. Thầy cô khác có dạy được thay cô khi cô đi vắng không ?

Tuỳ theo loại công việc:

  • Trong thực hành Tâm vận động (TVĐ) phòng ngừa: có thể, nhưng trẻ cần được báo trước và làm quen với nhà TVĐ mới. Không thể thay thế nhà TVĐ bằng Giáo viên hay nhà Tâm lý không được đào tạo chính quy về Thực hành TVĐ.
  • Trong thực hành TVĐ trị liệu (cho một nhóm trẻ hoặc một trẻ): không thể có người khác thay thế, bởi vì mối quan hệ được thiết lập giữa trẻ với nhà trị liệu là duy nhất.

Nếu nhà trị liệu phải gián đoạn vĩnh viễn khi việc trị liệu chưa hoàn thành thì cần phải có quá trình chuyển tiếp với một nhà trị liệu TVĐ khác và phải dành thời gian để chuẩn bị tốt tâm lý cho trẻ.

9. Trẻ bị tăng động có thể trị liệu với Tâm vận động ?

Đây là một trong các chỉ định của việc hỗ trợ với thực hành Tâm vận động Aucouturier. Nên đưa trẻ đến gặp nhà Tâm vận động sớm.

10. Con làm gì ở phòng tâm vận động ?

Đứa trẻ trải nghiệm con đường trưởng thành ở phòng Tâm vận động (TVĐ), nhờ vào hệ thống trang bị đặc biệt do nhà TVĐ Aucouturier chuẩn bị. Thông qua sự hiện diện của mình, cùng sự chào đón, ngôn ngữ cơ thể và lời nói của mình, nhà TVĐ thiết lập mối quan hệ tin cậy với trẻ, điều này cho phép trẻ phát triển nội tâm theo hướng tích cực.

Từ đó trẻ xây dựng được sự tự tin, khẳng định bản thân trong mối quan hệ với người khác và tham gia một cách xây dựng với môi trường mình đang sống.

11. Có thể làm một phòng tâm vận động ở nhà cho con chơi được không?

Tất nhiên cha mẹ có thể làm phòng tâm vận động (TVĐ) ở nhà và bố trí các trang thiết bị vui chơi tương tự như vậy trong phòng TVĐ. Nhưng đó sẽ không phải là phòng TVĐ Aucouturier! Vì ở phòng TVĐ Aucouturier có một số công cụ đặc biệt và sự hiện diện của nhà trị liệu tâm vận động được đào tạo bài bản để quan sát các trò chơi, hiểu sâu động cơ chơi của trẻ và điều chỉnh theo nhu cầu của trẻ để giúp trẻ phát triển, lớn lên.

12. Cô gửi video của con cho bố mẹ xem được không?

Các video không thể được chuyển tới phụ huynh cũng như bất kỳ ai! (Không được truyền trên mạng xã hội, cũng như trên Website…) vì người xem cần phải được đào tạo để hiểu ý nghĩa sâu xa của buổi hỗ trợ.

Các video chỉ có thể được chuyển tải vì mục đích trao đổi chuyên môn và giảng dạy, với sự cho phép của nhà trị liệu Tâm vận động và phụ huynh.

13. Có khóa học về Tâm vận động cho bố mẹ không?

Phương pháp thực hành tâm vận động Aucouturier không dành để hỗ trợ cho người lớn, ngoại trừ trong quá trình đào tạo để trở thành nhà trị liệu tâm vận động.

14. Thời gian đầu con đi Tâm vận động về, con chống đối lại bố mẹ nhiều hơn. Vì sao?

Đúng vậy!

Điều này xảy ra thường là do các quy tắc và giới hạn ở nhà và trong phòng tâm vận động (TVĐ) khác nhau. Có những quy định rất quan trọng trong phòng TVĐ, nhưng trẻ có nhiều quyền tự do hơn để khám phá và thử nghiệm (ví dụ: được phép phá hủy,..).

Trẻ cần được giải thích về những quy định khác nhau ở từng nơi và trẻ cần tôn trọng các quy định của mỗi nơi. Điều quan trọng là cha mẹ cần trao đổi với nhà trị liệu TVĐ để hỗ trợ trẻ phù hợp.

Nhưng thông thường việc chống đối của trẻ này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.

15. Con cần hỗ trợ Tâm vận động trong bao lâu?

Điều này cần được thảo luận với nhà trị liệu Tâm vận động, vì mỗi trường hợp đều khác nhau. Nhưng nói chung là trẻ cần có thời gian, cần được tôn trọng nhịp độ của trẻ. Nếu cha mẹ cố rút ngắn thời gian khi trẻ chưa đủ độ chín, chưa đủ tự tin, điều này có thể làm trẻ thụt lùi.

16. Khi nào con cần hỗ trợ cá nhân? Khi nào con cần hỗ trợ nhóm?

Trị liệu cá nhân là cần thiết khi trẻ cần sự quan tâm liên tục và điều chỉnh riêng của nhà trị liệu Tâm vận động. Sự hiện diện của những đứa trẻ khác sẽ làm chậm sự phát triển của trẻ.

Trẻ cần hỗ trợ nhóm khi trẻ đã có khả năng chơi cùng và không cần sự quan tâm liên tục hay riêng biệt.

17. Vì sao con cần đưa đón đúng giờ và đủ số buổi?

Đứa trẻ có mối quan hệ rất quan trọng với nhà trị liệu. Trẻ thường mong đợi được đến phòng tâm vận động, nên trẻ cần được đảm bảo rằng việc hỗ trợ sẽ tiếp tục, không bị gián đoạn. Trẻ cũng cần cha mẹ mình ủng hộ quá trình này và điều này sẽ giúp trẻ an tâm.

Cha mẹ cần giữ sự đều đặn của các ngày, đến đúng giờ, về đúng giờ, điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và có thể tận dụng tối đa các buổi được hỗ trợ.

Ngoài ra, nếu cha mẹ đưa trẻ đến muộn hơn thì thời gian trị liệu sẽ bị rút ngắn, vì nhà trị liệu tâm vận động có lịch trình và tôn trọng đứa trẻ kế tiếp.

18. Con chỉ cần can thiệp Tâm vận động, không cần can thiệp giáo dục có được không?

Tuỳ theo tiến triển của trẻ, khi trẻ muốn học và sẵn sàng tâm thế cho việc học, thì có thể can thiệp giáo dục.

19. Trẻ bình thường có cho đi Tâm vận động được không?

Thưa, rất tốt!

Tâm vận động Aucouturier hỗ trợ cho trẻ bình thường theo nhóm lớn, khoảng 6 trẻ, với mục đích phòng ngừa các rối loạn tâm thần cũng như giúp phát triển tối ưu các tiềm năng của trẻ và chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào giai đoạn học tập.

20. Phương pháp Tâm vận động Aucouturier có phải là phương pháp dạy trẻ vận động không ?

Nếu trẻ bị chậm phát triển vận động thì phương pháp Thực hành Tâm vận động sẽ giúp trẻ phát triển không chỉ về mặt vận động mà còn phát triển các mặt khác như cảm xúc, tình cảm, các mối quan hệ,…tuy nhiên nhà Tâm vận động Aucouturier hoàn toàn không dạy trẻ vận động.

21. Phương pháp Tâm vận động Aucouturier có giúp trẻ biết nói không ?

Nhà Tâm vận động cần tiếp xúc trực tiếp với trẻ và gia đình để có thông tin về trẻ và quan sát trẻ trong phòng tâm vận động ít nhất 3 buổi để có thể trả lời câu hỏi này.

22. Khi nào trẻ cần đến phương pháp Thực hành Tâm vận động Aucouturier ?

Tất cả mọi trẻ từ 1-7 tuổi (ngoại trừ trẻ bị liệt nằm một chỗ, không thể di chuyển) đều cần đến phương pháp Thực hành Tâm vận động Aucouturier

Vì phương pháp Thực hành này có 3 cấp độ:
- Dành cho trẻ bình thường, mang tính giáo dục và phòng ngừa các rối loạn tâm thần.
- Dành cho trẻ có khó khăn nhẹ, hỗ trợ theo nhóm trẻ.
- Dành cho trẻ có khó khăn nặng, hỗ trợ cá nhân.

Bạn cần biết thêm thông tin không?

Chúng tôi luôn mong muốn nhận được những câu hỏi từ Quý phụ huynh để giải đáp những quan tâm thắc mắc về Tâm vận động Aucouturier. Xin gửi câu hỏi theo hướng dẫn phía dưới: