Hành trình dài, ấn tượng sâu đậm và quá trình chuyển hóa nội tâm
của một giáo viên trở thành nhà thực hành tâm vận động Aucouturier
Toàn bộ nội dung bên dưới miêu tả chân thực hành trình và quá trình chuyển hóa nội tâm của cá nhân tôi trên con đường trở thành một nhà thực hành tâm vận động Aucouturier. Chúng giống như một thước phim quay chậm. Tôi hy vọng quý đồng nghiệp, quý phụ huynh sẽ hiểu thêm và có một cái nhìn đồng cảm về một phương pháp thực hành độc đáo này khi làm việc với trẻ mầm non và trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Việt Nam.
1. Cơ duyên đến với Tâm vận động Aucouturier
Tôi nhớ như in khoảng đầu năm học 2012-2013 tại trung tâm Hỗ trợ và giáo dục người khuyết tật Tp. HCM. Tôi được chị quản lý tại cơ quan của mình trao đổi có muốn tham gia lớp Tâm vận động không? Lúc đầu tôi khá bỡ ngỡ và mơ hồ không biết phương pháp thực hành Tâm vận động là gì? Một mặt tò mò, một mặt muốn tìm hiểu một phương pháp mới ở Việt nam. Bản thân tôi lúc đó mới chuyển công tác vào Tp. HCM khoảng gần một năm với tuổi đời, tuổi nghề còn khá non trẻ, tinh thần ham học hỏi cái mới thì tràn đầy. Sau vài ba phút lưỡng lự, tôi đã đồng ý gật đầu ngay.
Chị quản lý đã thuyết phục Ban giám đốc để một đơn vị đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên giáo dục đặc biệt có một giảng viên trẻ tham gia khóa đào tạo với hai lý do: thứ nhất cập nhật được xu thế phát triển chuyên môn hiện tại. Thứ hai là một đơn vị đào tạo thì tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa về tâm vận động sẽ nhiều hơn. Và sau rất nhiều lần “nâng lên, hạ xuống”, cuối cùng hành trình từ một thầy giáo trở thành chuyên viên thực hành tâm vận động đã khởi nguồn từ đây!
2. Đào tạo cá thể để hiểu rõ bản thân, tìm về miền ký ức, sống lại đứa trẻ bên trong của chính mình
Trong chương trình đào tạo nhà thực hành tâm vận động khoảng 3 năm, bên cạnh trang bị những nền tảng lý thuyết liên quan, thực hành ở ba cấp độ: giáo dục phòng ngừa, trị liệu nhóm, trị liệu cá nhân thì nội dung đào tạo cá thể là một nội dung độc đáo, đặc sắc của phương pháp thực hành tâm vận động và để lại nhiều ấn tượng sâu đậm cho bản thân tôi.
Bên cạnh đó những cảm xúc vui vẻ, phấn khởi khi đội mình chiến thắng. Và đâu đó trong tiềm thức, người lớn cũng sẽ cảm thấy “se sắt lòng’ khi những kỉ niệm cũ không yên bình “ùa về’ trong những buổi đào tạo cá thể. Cảm giác hụt hẫng, bị bỏ rơi khi thua cuộc khi chơi vận động cảm giác cùng với nhóm học viên là những trải nghiệm rất có ý nghĩa khi tôi thực hành với nhóm trẻ bình thường (cấp độ giáo dục phòng ngừa) sau này.
Tôi bắt đầu hiểu tại sao nhà tâm vận động lại là một công cụ quan trọng khi làm việc với trẻ. Tại sao họ cần phải đào tạo cá thể và đào tạo liên tục. Tai sao những nơi khác không thể truyền dạy tâm vận động theo kiểu “cầm tay chỉ việc” hay chỉ cần “bắt chước’ làm theo, thậm chí chỉ cần trang bị phòng ốc chuyên dụng là được.
Nét độc đáo nằm ở toàn bộ giá trị con người của nhà tâm vận động qua hệ thống thái độ đón nhận trẻ, tâm thế đến với trẻ, những nhạy cảm tinh tế mà nhà tâm vận động đồng hành, nâng đỡ trẻ trong quá trình hình thành mối quan hệ an toàn, tin tưởng giữa trẻ và người lớn, trong quá trình đứa bé tìm ra hình ảnh của chính mình từ niềm vui thích hành động đến niềm vui thích của tư duy.
3. Khó khăn khi chuyển đổi vai trò từ giáo viên sang nhà thực hành Tâm vận động
Có thể nói đây là một trải nghiệm khó khăn và đáng nhớ nhất của bản thân tôi khi dấn thân trên con đường trở thành nhà thực hành tâm vận động. Lúc trước tôi đã quen với công việc soạn giáo án, bài vở, mục tiêu, hoạt động sắp đặt chỉnh chu để đạt được mục tiêu. Mọi thứ phải chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi tiến hành dạy học.
Điều này trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận trong tâm vận động. Đứa trẻ sẽ là trung tâm. Đứa trẻ sẽ là người dẫn dắt trong các hoạt động. Đứa trẻ là một chủ thể đặc biệt có những sắc thái, giá trị, bản ngã và kế hoạch hành động riêng. Nhà tâm vận động phải tôn trọng tuyệt đối đứa trẻ với những khó khăn cũng như những mặt tích cực của trẻ. Tôn trong không gian trẻ có, tôn trọng những gì trẻ làm không phán xét, trách mắng. Không được áp đặt ý kiến cá nhân lên trẻ, không dạy trẻ mà phải để trẻ là người khởi xướng, lựa chọn cách chơi, trò chơi…Nhà tâm vận động có thể gợi mở nhưng người cuối cùng chọn là trẻ.
Trong đầu tôi lúc tham gia thực hành cấp độ giáo dục phòng ngừa ngổn ngang nhiều suy nghĩ và nhiều mâu thuẫn không biết cách giải quyết. Tôi đã quá quen với hình mẫu của một người thầy đầy quyền năng với trẻ. Tôi chưa sẵn sàng với vai trò mới này. Tôi cảm giác mình mất hết quyền năng khi đối mặt với trẻ. Tôi cảm thấy căng thẳng và bối rối khi chuyển từ vai người thầy giáo sang vai nhà tâm tâm vận động luôn đồng hành, nâng đỡ và trao quyền cho trẻ. Tôi không nhớ chính xác mình mất khoảng thời gian bao lâu để “chuyển vai” mượt mà, ước lượng hết một khoảng môt năm đầu thực tập. Quả thật, đây là một trải nghiệm quý giá và nhiều khó khăn để vượt qua dành cho bản thân tôi.
4. Vai trò nhóm trong cấp độ giáo dục phòng ngừa
Khi thực hành cấp độ giáo dục phòng ngừa vào cuối năm đầu, nhóm chúng tôi gồm có 6 học viên và một người giám sát lâm sàng được bố trí thực hành tại một trường chuyên biệt ở quận 2. Chúng tôi bắt đầu làm quen với việc phân chia vai trò từng người trong một buổi thực hành. Ai là người chơi với trẻ, ai là người quay phim, bố trí sắp xếp phòng ốc như thế nào…Mọi thứ được học về tiến trình một giờ chơi, cách sắp xếp, quản lý dụng cụ, hệ thống thái độ, kĩ năng nhà tâm vận động…phải được vận dụng trong những giờ thực hành này. Chúng tôi phải cố gắng làm thật tốt để có phim thực hành tốt trình bày báo cáo với nhóm đào tạo.
Trong khoảng thời gian này, tôi bắt đầu thấm thía câu nói mình từng được nghe ‘từ lý thuyết đến thực hành là một câu chuyện dài”. Mặc dù chuẩn bị kĩ mọi thứ và được người giám sát hỗ trợ tận tình nhưng chúng tôi cũng gặp vô vàng khó khăn.
Cụ thể, diễn biến các hành động trong buổi chơi rất nhanh nếu không có sự tinh nhạy hay phân công người nào hỗ trợ trẻ nào thì người thực hành sẽ gặp nhiều lúng túng. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng buổi chơi.
Bên cạnh đó, chúng tôi học được những điều từ các thành viên khác trong nhóm. Cái tốt thì phát huy cái chưa tốt thì cần cải thiện để những buổi thực hành sau hiệu quả hơn. Thực sự thông qua những giờ tự phản ánh này chúng tôi “trưởng thành’ lên rất nhiều. Mọi thứ được xây dựng từ mối quan hệ tương hỗ, vì cái chung nên các thành viên trong nhóm rất gắn bó, đoàn kết, yêu thương nhau. Cho đến bây giờ để trả lời câu hỏi chúng tôi nhận được gì khi tham gia khóa học thì cái chúng tôi nhận được nhiều nhất ngoài chuyên môn thì đó là mối quan hệ tích cực của các thành viên trong nhóm thực hành. Một mối quan hệ, một sợi dây liên kết rất đặc biệt mà ít nhà chuyên môn nào có được. Điều này tôi cũng mang theo khi chuyển sang nhóm thực hành mới tại quận 10 ở cấp độ can thiệp cá nhân vì gần cơ quan công tác và hỗ trợ hai nhà tâm vận động khác trong giai đoạn thai sản. Tại đây, tôi có thêm những mối quan hệ tốt đẹp mới với các đồng nghiệp của mình. Trong khóa chỉ có mình tôi là có cơ duyên đặc biệt này.
5. Khó khăn khi chuyển từ cấp độ giáo dục phòng ngừa sang cấp độ can thiệp nhóm và can thiệp cá nhân. Thay đổi cái nhìn từ trẻ bình thường đến trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Như phần miêu tả ở trên, nhà tâm vận động phải trải qua 3 cấp độ thực hành từ giáo dục phòng ngừa làm việc với trẻ bình thường đến cấp độ trị liệu nhóm dành cho trẻ có những khó khăn ít đến cấp độ trị liệu cá nhân dành cho trẻ có khó khăn nghiêm trọng. Đến lúc này, bản thân tôi đã bắt đầu quen với công việc của nhà tâm vận động nhưng cũng cần một khoảng thời gian để bắt nhịp khi chuyển sang đối tượng trẻ có nhu cầu đặc biệt ở cấp độ can thiệp nhóm và cá nhân.
Đối với trẻ bình thường thì tiến trình chơi và mọi thứ diễn ra rất thuận lợi. Các loại trò chơi của trẻ thể hiện rất đa dạng và sinh động. Điều này làm cho người thực hành cảm thấy rất hứng thú và vui vẻ.
Trái ngược lại, khi bản thân tôi làm việc với nhóm trẻ khó khăn sẽ có nhiều thách thức hơn chẳng hạn trẻ có nhiều hành vi thách thức hay những hành vi rập khuôn, lặp đi, lặp lại. Đòi hỏi người thực hành phải biết nhận ra những dấu chỉ khó khăn và hỗ trợ trẻ kịp thời. Nếu như trước đây buổi chơi đa dạng nhiều sắc màu bao nhiêu thì những giờ chơi với trẻ có nhu cầu đặc biệt sẽ hao tổn sức lực và nơ ron thần kinh người thực hành bấy nhiêu. Nhà tâm vận động phải biết đưa ra giả thuyết, lên kế hoạch buổi chơi, quan sát, ghi nhận những chuyển biến tích cực ở trẻ cũng như tự phản ánh cá nhân về buổi thực hành của mình.
Khi nhà tâm vận động xóa bỏ được những định kiến không hay về trẻ thì sự kết nối và hỗ trợ cho trẻ sẽ tốt hơn. Trẻ có khó khăn mới cần đến nhà tâm vận động. Nhà tâm vận động vừa là bạn trong các trò chơi nhưng phải biết ranh giới, cần nhớ mình hiện diện trong phòng là để hỗ trợ trẻ để trẻ phát triển tốt nhất trong khả năng của mình.
Tôi bắt đầu nhận ra con đường mình thực hành có lúc êm đềm như mặt đường rải nhựa (chơi với trẻ bình thường), có lúc thì leo dốc cao (với trẻ can thiệp nhóm) và cũng có lúc gập ghềnh ổ gà, ổ voi (khi can thiệp cá nhân). Tôi nhu nhận nhiều cảm xúc tích cực và bắt đầu cảm thấy rõ ràng con đường mình đi hơn. Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện, là một hành trình để mình khám phá bản thân và khám phá đứa trẻ. Nhà tâm vận động thay đổi cái nhìn tích cực từ trẻ thì việc hỗ trợ cho trẻ sẽ tốt hơn. Đó là bài học lớn tôi nhận được khi chuyển đối tượng trẻ thực hành trong quá trình tham gia khóa học trở thành nhà tâm vận động.
6. Mắc kẹt trong trị liệu cá nhân. Mất kết nối và học được bài học lớn: chỉ khi người lớn thay đổi thì trẻ mới thay đổi.
Thời gian trôi nhanh và tôi bắt đầu bước vào năm cuối của quá trình đào tạo. Mỗi học viên phải hoàn thành bài khóa luận tốt nghiệp và trình bày ca can thiệp cá nhân cho hội đồng chấm tốt nghiệp. Quả thật, đây là khoảng thời gian thử thách bản thân tôi nhiều nhất. Có lúc tôi cảm thấy bế tắc, bất lực, đôi khi mất niềm tin ở cá nhân và tưởng chừng mình không thể vượt qua được.
Trong thời gian 1 năm thực hành cấp độ can thiệp cá nhân. Tôi được giới thiệu một trẻ khoảng 30 tháng có dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ, có nhiều vấn đề giác quan, khó khăn trong tương tác và giao tiếp. Thời điểm tiếp nhận, trẻ chưa có ngôn ngữ. Ấn tượng ban đầu của tôi và cho đến lúc này hình ảnh trong đầu tôi về trẻ là bé có một khuôn mặt rất lạnh lùng. Tôi mất thời gian 3 buổi quan sát bé trong phòng tâm vận động. Trước khi gặp phụ huynh và đưa ra gia thuyết cũng như kế hoạch hỗ trợ. Phụ huynh rất hợp tác vì họ cũng là giáo viên và đặt nhiều kì vọng cho nhà tâm vận động với xuất phát cũng là giáo viên như ba mẹ của bé. Nhưng rồi, mọi thứ không như mình muốn!
Một biến cố lớn xảy ra, sau khi can thiệp cho trẻ được vài tháng tôi có chuyến công tác dài hạn 3 tháng phải gián đoạn việc can thiệp cho trẻ. Mặc dù tôi có thông báo cho trẻ về sự kiện này trong những buổi cuối nhưng có vẻ như trẻ chưa sẵn sàng đón nhận. Tôi đã mất kết nối với trẻ 3 tháng trong suốt quá trình mình đi công tác. Điều này cản trở tôi khi tiếp tục hỗ trợ trẻ trong thời gian sau đó. Tôi cảm nhận trẻ mất niềm tin ở bản thân mình và nhà tâm vận động khi việc can thiệp bị gián đoạn. Tôi đã cố gắng bù đắp mối quan hệ trong khoảng thời gian còn lại cho trẻ nhưng mọi thứ không có gì cải thiện.
Tôi bắt đầu hoang mang, không tìm được lối thoát và có những lúc muốn dừng lại công việc của nhà tâm vận động. Nhưng nhờ được sự hỗ trợ của các thành viên trong nhóm thực hành, sự đồng hành của người giám sát và sự tạo cơ hội của nhóm đào tạo. Tôi có thêm cơ hội 1 năm đồng hành với trẻ. Đây là cơ hội để tôi chữa lành cho trẻ và chữa lành cho chính bản thân mình với phương châm và cách tiếp cận tâm vận động “chỉ khi người lớn thay đổi thì trẻ mới thay đổi”.
Tôi thay đổi bằng cách trở thành người có nhiều năng lượng hơn để truyền năng lượng tích cực cho trẻ. Tôi bắt đầu lắng nghe, quan sát những biểu hiện của trẻ nhiều hơn. Tôi dành toàn bộ thời gian, tâm trí, suy nghĩ, tình cảm của mình cho trẻ trong những buổi thực hành. Dần dần trẻ cảm nhận được tình thương mà tôi dành cho trẻ. Trẻ bắt đầu mỉm cười nhiều hơn. Điều mà trước đây tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Ánh mắt của trẻ kết nối với tôi nhiều hơn. Và điều tuyệt vời nhất trong buổi tôi trình bày tốt nghiệp đó là giây phút trẻ gọi tên tôi “thầy Toàn”. Cảm giác tôi lúc đó như chết lặng, tan chảy, đóng băng…Tôi hạnh phúc vì một hành trình dài mình trải qua. Tôi hạnh phúc trong niềm vui và hạnh phúc của trẻ đang có. Trẻ là học trò đầu tiên và cũng là người thầy tâm vận động trong quá trình tôi được đào tạo.
7. Một cái nhìn sâu sắc từ khi làm cha và tham gia khóa giáo dục phòng ngừa chuyên sâu.
Trong suốt ba năm đào tạo thực hành tâm vận động và 1 năm thực hành thêm cấp độ can thiệp cá nhân. Bản thân tôi đã có nhiều thay đổi tốt đẹp trong công việc và cuộc sống cá nhân. Tại cơ quan tôi tham gia vai trò nhà tâm vận động trong nhóm đa chức năng khi làm việc với trẻ có nhu cầu đặc biệt bên cạnh những giờ giảng trên giảng đường. Từ một thanh niên lập nghiệp trên mảnh đất Sài Thành nay đã là một người cha của hai đứa trẻ. Bản năng làm cha và những kinh nghiệm lâm sàng tôi tích lũy được trong lúc hành nghề tâm vận động đã hỗ trợ cho bản thân tôi trong lúc can thiệp cho các bé khó khăn hay trong lúc chăm sóc, giáo dục con ở nhà theo phong thái của nhà tâm vận động.
Trái ngọt sẽ được gặt khi hạt giống gieo mầm trên mảnh đất tốt. Khi bản thân tôi tham gia khóa đào tạo giáo dục phòng ngừa chuyên sâu 1 năm. Tôi nhận thấy khả năng quan sát, sự nhạy cảm của mình tăng lên rất nhiều. Chúng giống như những thước phim quay chậm khi tôi có cơ hội quan sát lâm sàng liên tục trẻ độ tuổi nhà trẻ ở các trường mầm non. Niềm vui, nguồn năng lượng giao thoa giữa tôi và trẻ tăng lên. Chất lượng các mối quan hệ trong nhóm thực hành tâm vận động luôn củng cố và duy trì. Chúng tôi đã hoàn thành tốt bài báo cáo cuối đợt khi đồng hành và hỗ trợ nhóm trẻ một cách hiệu quả. Từ đây, tôi có niềm tin sẽ là những hạt giống tâm vận động yêu ngành, yêu nghề hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ mầm non, thế hệ tương lai của trẻ em cho Việt nam.
8. Ước vọng tương lai, mong muốn đóng góp cho sự phát triển Tâm vận động tại Việt Nam
Hiện nay, tôi đang là nhà thực hành tâm vận động Aucouturier. Qua trải nghiệm hỗ trợ cho trẻ nhỏ và cho chính các con mình, tôi thấy phương pháp này có giá trị quá lớn đối với sự phát triển của trẻ em, tôi rất muôn nhân rộng phương pháp này. Tôi muốn phấn đấu để trở thành một nhà đào tạo thực hành tâm vận động trong tương lai. Tôi muốn giữ những giá trị nguyên bản của tâm vận động mà không bị “tam sao thất bản”. Tôi có động lực mạnh mẽ và tôi tin mình sẽ làm được.
Một hành trình chông gai với nhiều cung bậc cảm xúc mạnh mẽ, những giá trị mà bản thân tôi và các anh, chị đồng nghiệp thu nhận được. Tôi hi vọng trong tương lai sẽ có hiệp hội những nhà thực hành tâm vận động Aucouturier tại Việt Nam đóng góp vào quá trình phát triển những nhà chuyên môn Tâm vận động làm việc với trẻ bình thường và trẻ có nhu cầu đặc biệt trên khắp cả nước.
Trần Thanh Toàn
Nhà thực hành tâm vận động Aucouturier khóa 2 tại Tp. HCM niên khóa 2012-2017.